Nhiều người chơi, sưu tầm cây cảnh rất thích cây Lộc Vừng trồng chậu. Dáng cây vừa phải, mang vẻ đẹp sù sì tự nhiên, dễ uốn và tạo dáng, hoa nở cực kỳ xinh và lộng lẫy. Đặc biệt, đây còn là cây phong thủy mang đến may mắn, tài lộc cho gia chủ dùng để trang trí trước nhà hay trong nhà đều tuyệt vời.
Tuy nhiên, việc chăm sóc cây Lộc Vừng trồng trong chậu đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn với cây trồng ngoài đất. Cụ thể cần phải trồng và chăm sóc như thế nào hãy cùng Cây Đẹp 24h tìm hiểu thật kỹ nha.
Hướng dẫn cách trồng cây Lộc Vừng trong chậu
Với những ngôi nhà mặt đất, diện tích sân vườn rộng rãi thường chọn trồng cây hoa Lộc vừng trước nhà, trước cổng để vừa ngắm hoa đẹp vừa có bóng mát và rước lộc vào nhà. Nhưng với những ngôi nhà ống, nhà ở thành phố hay chung cư,… diện tích đất có hạn, phương án trồng cây trong chậu được ưu tiên hơn, vì kích thước nhỏ, thay đổi vị trí linh hoạt.
Để trồng Lộc Vừng trong chậu, cây phát triển khỏe mạnh, ra hoa đẹp chúng ta tiền hành theo quy trình sau đâu:
Chọn chậu trồng cây Lộc Vừng
Tùy theo điều kiện kinh tế, sở thích của mỗi gia chủ có thể chọn chậu trồng bằng nhựa, bằng đá tự nhiên hoặc chậu sứ,…. Xem kích thước cây muốn trồng để chọn kích cỡ chậu phù hợp. Chậu phải lớn hơn bầu cây từ 20 – 40cm.
Điều đặc biệt quan trọng, chậu trồng phải có lỗ thoát nước. Nếu trồng trong chậu mà cây không thể thoát nước thì rất nhanh bộ rễ sẽ bị thối, lá úa vàng rồi rụng, cây yếu dần và chết.
Chuẩn bị đất trồng
Lộc Vừng là cây cảnh sân vườn đẹp, dễ trồng và dễ sống, không kén đất. Nhưng để cây sau khi trồng nhanh chóng phục hồi, phát triển tốt thì bạn phải chọn những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, sạch mầm bệnh.
Mua đất hữu cơ từ cửa hàng, nhà vườn là một phương án nhanh gọn, tiện lợi. Hoặc bạn có thể tự phối trộn đất trồng cây Lộc Vừng theo công thức sau: 3 đất sạch + 3 phân bò hoai mục (có thể thay bằng phân trùn quế) + 2 giá thể trấu hun + 2 mụn dừa.
Tiến hành trồng cây vào chậu
Muốn tăng khả năng thoát nước cho cây Lộc Vừng trồng chậu bạn có thể dải ở đáy chậu một lớp xỉ than hoặc sỏi, sau đó cho đất vào 1/2 chậu. Tiếp đó, xé bỏ túi bầu và đưa cây vào đặt ở giữa chậu, nên để cổ rễ bằng hoặc cao hơn miệng chậu.
Chỉnh dáng cây cho đẹp rồi đổ đất vào và nén chặt xung quanh bầu. Cuối cùng là tưới nước giữ ẩm.
Cách chăm sóc cây Lộc Vừng trồng chậu
Tượng tự như cây trồng ngoài đất các điều kiện chăm sóc cần có là ánh sáng, nước tưới, phân bón, cắt tỉa,… nhưng cách làm sẽ có sự điều chỉnh đôi chút, bạn theo dõi nội dung dưới đây của Caydep24h để nắm rõ cách chăm như thế nào nha.
Ánh sáng
Giống cây hoa công trình này ưa sáng, ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc cây Lộc Vừng ra hoa. Nên mọi người phải chú ý, đặt chậu cây ở nơi có ánh sáng tốt cả 4 phía, nếu không thì chọn nơi có nhiều ánh nắng ở hướng Đông, Đông Nam.
Nếu trồng cây trong nhà, cũng phải chọn nơi đón được nhiều ánh nắng mặt trời như gần cửa sổ, ban công hay giếng trời. Trường hợp cây đặt ở nơi thiếu sáng thì mọi người chú ý cho cây ra tắm nắng 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần 2 – 3 tiếng vào buổi sáng. Hoặc bạn có thể thiết kế đèn nhân tạo quanh nơi đặt cây.
Tưới nước
Cây Lộc Vừng trồng chậu không cần tưới quá nhiều nước. Tuy đây là cây ưa ẩm nhưng tưới nhiều dễ khiến cây bị úng và thối rễ. Cây mới trồng rễ còn yếu nên khả năng hút nước còn kém cho nên cần cung cấp đủ nước, để nó ra rễ mới. Lúc này, mỗi ngày bạn tưới nhẹ 1 lần. Đến khi cây phát triển tốt, ra nhiều lá mới thì cứ 2 ngày tưới 1 lần.
Bón phân
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Thiếu phân cây sẽ yếu, sinh trưởng kém nhưng bón nhiều quá cũng không tốt, chỉ cần đảm bảo liều lượng vừa đủ là được.
Đối với cây Lộc Vừng trồng chậu định kỳ khoảng 2 tuần – 1 tháng bón phân 1 lần. Nhưng chú ý, thời điểm mới trồng không nên bón phân hóa học. Hãy sử dụng một số phân bón hữu cơ như: phân trùn quế, phân gà, phân bò ủ hoai mục,…. Có thể kết hợp thêm phân kích thích ra rễ, phân bón lá định kỳ 15 – 20 ngày/lần.
Khi cây đã ra chồi mới, phát triển khỏe mạnh có thể luân phiên sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng cao như NPK 30-10-10, NPK 30-15-10 và phân bón gốc NPK 16-16-8, NPK 20-20-15,….
Với những cây trưởng thành, cây Lộc Vừng lâu năm bổ sung các loại phân có hàm lượng lân và kali cao hơn. Bạn có thể sử dụng các loại phân đầu trâu 701 hoặc NPK 15-30-15, NPK 6-30-30,… để cây ra hoa đẹp, bền màu, chống rụng hoa. Trước thời kỳ cây ra hoa khoảng 1 – 1.5 tháng cần bón thúc bằng phân lân.
(*) Chú ý: Nên hòa loãng phân với nước rồi tươi để cây dễ hấp thụ.
Cắt tỉa và tạo dáng
Cách cắt tỉa cây Lộc Vừng trồng chậu nhẹ nhàng hơn so với cây công trình. Bạn chỉ cần tỉa bớt những cành khuất tán, cành tăm giúp cây thoáng hơn nhằm hạn chế sâu bệnh, đồng thời giúp cây tập trung nuôi các cành chính và ra hoa.
Quá trình cắt tỉa sẽ kết hợp luôn việc uốn tạo các thế cây Lộc Vừng. Một số dáng – thế cây đẹp được các nghệ nhân và người chơi cây kiểng yêu thích như: dáng thác đổ, dáng trực, dáng huyền, dáng bay hay các thế long giáng, thế xuy phong,….
Cách uốn cũng khá đơn giản, đầu tiên cần cắt tỉa giữ lại những cành nhánh đẹp. Dùng dây kẽm hoặc dây đồng uốn thân, cành theo hình thế mong muốn, sẽ làm lần lượt từ gốc đến ngọn, từ thân đến các cành lớn, rồi cành nhỏ. Uốn định hình dáng từ 3 – 4 tháng là có thể tháo dây uốn.
Phòng sâu bệnh
Một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây Lộc Vừng là sâu đục thân, sâu ăn lá, bệnh vàng lá – khô cành, bệnh đốm lá,…. Với cây trồng trong chậu chúng ta có thể dễ dàng quan sát hơn. Định kỳ 15 – 20 ngày kiểm tra toàn bộ cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh (nếu có). Về vấn đề này, Cây Đẹp 24h sẽ có một bài viết riêng đề cập đến các loại sâu bệnh thường gặp trên cây Lộc Vừng và cách phòng trị.
> Đọc thêm bài viết: Cách trồng cây Lộc Vừng trong nước
Cách thay đất cho cây Lộc Vừng trồng chậu
Với những cây cảnh trồng chậu, khoảng 2 – 3 năm chúng ta phải tiến hành thay chậu hoặc thay đất cho cây. Dưới đây, các kỹ thuật viên của nhà vườn Cây Đẹp 24h sẽ hướng dẫn bạn cách thay đất cho cây hoa Lộc Vừng – một kỹ thuật đòi hỏi người làm phải khá tỉ mỉ, khó thực hiện hơn so với việc thay chậu mới.
Tách cây khỏi chậu
Giá thể hoặc đất trồng cũ đã bạc màu, không còn nhiều dưỡng chất hoặc bị nhiễm độc dư lượng muối bạn cần phải tách cây ra hỏi lớp đất cũ. Tách cây ra khỏi chậu, chú ý không làm tổn hại đến phần rễ bên trong.
Làm sạch bộ rễ
Có 2 việc quan trọng bạn cần làm là tách lớp đất cũ ra khỏi bộ rễ và kiểm tra, loại bỏ những đoạn rễ có dấu hiệu bị thối, màu xám đen hoặc bị mục rữa. Có thể dùng nước xối vào để tách đất bám trên rễ, vừa nhanh vừa an toàn nhưng không phù hợp nếu bạn cần thay đất nhiều chậu cây một lúc.
Có nhiều người dùng cách lấy búa gõ nhẹ vào lớp đất ngoài để tạo vết nứt. Sau đó, họ bóc tách từng mảng đất bám trên rễ. Cách này cũng khá hiệu quả nhưng thường xảy ra tình trạng đứt rễ non. Cho nên, sau khi trồng lại bắt buộc phải cắt tỉa cành lá để tải tải cho bộ rễ đã bị tổn thương.
Trong trường hợp bộ rễ của cây quá dày, bạn có thể loại bỏ bớt. Ước lượng cắt giảm khoảng 1/3 độ bao phủ của rễ trong chậu cũ. Nhưng đồng thời, cũng cắt tỉa giảm bớt 1/3 độ bao phủ của cành lá.
Cố định cây trong chậu
Bạn có thể cố định cây sang chậu mới hoặc trồng vào chậu cũ đã được làm sạch (chậu còn đẹp và nguyên vẹn sau khi tách cây). Việc thay đất cho cây Lộc Vừng trồng chậu sẽ khiến cây “bỡ ngỡ” thời gian đầu cho nên chúng ta phải lưu ý 3 điểm sau:
Thứ nhất: Mật độ đất trồng phải tơi xốp, càng tơi càng tốt. Ngoài việc sử dụng đất trồng tơi xốp thì khi trồng lại bạn không nên nén đất quá chặt. Nếu đất bị nén chặt khi tưới nước sẽ dễ tạo thành các điểm úng ngập cục bộ trong chậu và gây thối rễ bên trong.
Thứ 2: Khi mật độ đất trồng giảm thì khả năng cố định cũng giảm, cho bên bạn cần che chắn cẩn thận và có thể dùng cọc để cố định thời gian đầu, tránh gió bão làm đổ, bật gốc.
Thứ 3: Giảm lượng nước tưới trong 1 lần nhưng chia thành nhiều lần tưới hơn. Giảm lượng nước để tránh rửa trôi dinh dưỡng, tưới nhiều lần vì đất mới còn tơi xốp sẽ khô nhanh hơn. Chúng ta sẽ điều chỉnh lại cách tưới sau khoảng 2 – 3 tháng.
Thêm đất cho cây
Khoảng 2 – 3 tuần sau khi thay chậu, do trọng lực và rễ cây hút nước đất trong chậu sẽ tự động nén xuống. Khi đó, bạn cần bổ sung thêm đất mới vào chậu.
Nhà vườn Cây Đẹp 24h hân hạnh được mang đến những thông tin hay, thú vị về cách trồng và chăm sóc cây hoa Lộc Vừng trồng chậu. Hy vọng nội dung bài viết sẽ hữu ích với bạn.
Điều nhiều người sẽ thắc mắc và quan tâm sau khi đọc xong bài viết, đó là mua cây Lộc Vừng ở đâu? Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực cây xanh, sở hữu nguồn hàng lớn và đa dạng Cây Đẹp 24h tự tin mang đến cho khách hàng sản phẩm cây trồng chất lượng, khỏe đẹp, với giá thành hợp lý nhất. Ngoài ra, đi kèm còn có các dịch vụ giao hàng tận nơi, trồng cây, chăm sóc, tư vấn miễn phí,… . Gọi ngay số HOTLINE 0975 662 779 để biết thêm thông tin chi tiết.
Chúc bạn nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn, tài lộc!